Phó Thủ tướng nói về thí điểm Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại

Dân trí “Gần đây rộ lên câu chuyện liên quan đến tài liệu học tập dạy cho trẻ mới đi học. Chuyện sách Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại chỉ là một phương pháp đổi mới trong cách học tiếng Việt chứ không phải cải cách ngôn ngữ. Mà không thể không tiếp tục đổi mới mà đổi mới thì phải có thực nghiệm, thí nghiệm” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phiên thảo luận tại UB Thường vụ Quốc hội sáng 12/9, một loạt câu hỏi được đặt ra cho những người đại diện Chính phủ – cơ quan trình luật Giáo dục (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Nghị quyết của Quốc hội đã nêu rõ, trong thời gian trước mắt, khi làm luật sẽ không ban hành chính sách mới mà nếu có ban hành thì phải cân đối nguồn lực nhưng đọc luật này thấy có nhiều chính sách mới. Vậy số tiền chi ngân sách để thực hiện những chính sách này là bao nhiêu, liệu có thực hiện được không trong tình trạng đất nước đang mất cân bằng nghiêm trọng về ngân sách, bội chi cao, tỷ lệ nợ công tăng?

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại UB Thường vụ Quốc hội
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại UB Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh, luật này tiếp tục khẳng định mức đầu tư cho giáo dục là 20% tổng chi ngân sách nhà nước, vậy đánh giá tác động việc này thế nào? Chính phủ chủ trương nâng chuẩn giáo viên mầm non từ trình độ trung cấp sư phạm lên cao đẳng thì hệ thống trường trung cấp hiện tại se thế nào, xử lý việc số giáo viên trung cấp hiện này ra sao?

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga quan tâm tới vấn đề thí điểm, thử nghiệm giáo dục. “Làm thử thì có thành công, có thất bại nhưng thời gian qua, những hoạt động thí điểm giáo dục nhận nhiều ý kiến trái chiều khác nhau, nhất là thí điểm cải cách tiếng Việt. Quan điểm của Bộ Giáo dục về vấn đề này?” – bà Nga băn khoăn.

Trả lời các câu hỏi, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói về 2 chính sách mới là miễn học phí cho trẻ mần non 5 tuổi và miễn học phí THCS, hỗ trợ cho các đối tượng ngoài công lập. Ông Nhạ khẳng định, cơ quan soạn thảo luật đã tính đến tính khả thi về mặt tài chính. Số tiền dùng cho việc này nằm trong 20% ngân sách dành cho giáo dục.

Về lộ trình và tính khả thi của việc nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non, Bộ trưởng Giáo dục cũng quả quyết là phép toán này đã được tính toán cụ thể. Cụ thể, dự kiến, số giáo viên cần đào tạo bồi dưỡng để nâng chuẩn từ trung cấp lên cao đẳng mỗi năm hết 127 tỷ đồng, cần thực hiện trong 6 năm. Số tiền đó ngân sách có thể cân đối được.

Ông Nhạ chỉ rõ, khi thực hiện chính sách nâng chuẩn như vậy, các trường trung cấp sư phạm sẽ không còn nữa. Thực tế hiện cả nước chỉ còn hơn 10 trường trung cấp như vậy, sẽ sáp nhập vào các trường cao đẳng hoặc các trung tâm bồi dưỡng giáo viên. Với những giáo viên mầm non trình độ trung cấp, nếu còn tuổi thì sẽ đào tạo nâng chuẩn bổ sung còn nếu không đủ tuổi thì có chính sách bồi dưỡng và cho nghỉ hưu sớm.

Trả lời thêm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ, vấn đề khó, vướng với hệ thống giáo dục phổ thông tại Việt Nam là dù đã được chi tới 20% ngân sách nhưng do hầu hết các trường từ mầm non lên hết THPT đều là trường công nên gánh nặng rất lớn. Chỉ riêng tiền lương chi cho giáo viên các bậc học phổ thông cũng đã hết đến 80% số chi 20% ngân sách đó. Vậy nên, giải pháp, theo Phó Thủ tướng là cần đẩy mạnh tính tự chủ của các trường, dù cái khó là trường phổ thông thì không giống như đại học, buộc phải phân bố rộng, phủ đều khắp trên các địa bàn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời câu hỏi về sách thực nghiệm giáo dục tiểu học
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời câu hỏi về sách thực nghiệm giáo dục tiểu học

Theo xu thế thế giới nói chung, phổ cập giáo dục bắt buộc thực hiện ở mức nào thì nhà nước miễn học phí ở mức đó nhưng thực tế tại Việt Nam đã phổ cập THCS và đang tiến tới phổ cập THPT nhưng nhà nước mới miễn học phí ở cấp tiểu học. Do tính toán số tiền quá lớn nên Chính phủ đề xuất thực hiện theo lộ trình, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.

“Giáo dục phổ thông ở Việt Nam được đánh giá rất cao nên làm sao để phát huy ưu thế này” – ông Đam nói.

Phó Thủ tướng cũng đề cập, gần đây rộ lên câu chuyện liên quan đến tài liệu học tập dạy cho trẻ mới đi học. Năm ngoái thì có câu chuyện của ông GS đề nghị cải cách tiếng Việt. Ông Đam nhấn mạnh, Việt Nam hoàn toàn không có chủ trương cải cách tiếng Việt. Còn câu chuyện sách Công nghệ giáo dục chỉ là một phương pháp đổi mới trong cách học tiếng Việt chứ không phải cải cách ngôn ngữ.

Theo ông Đam, không thể không tiếp tục đổi mới mà đổi mới thì phải có thực nghiệm, thí nghiệm.

P. Thảo

Để lại một bình luận

.
Chat With Me on Zalo
1
Bạn cần hỗ trợ?